Kỷ niệm xưa Ô Môn, Cần Thơ 1966
10th Feb 2020Ô Môn, Cần Thơ 1966
Bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ngày 11 tháng chín 1966. Tại Ô Môn trong vùng châu thổ sông Cửu Long, một nữ nhân viên Sở Thông Tin phát các tờ hướng dẫn chi tiết cách bỏ phiếu.
Đôi Nét Về XỨ SỞ và CON NGƯỜI CẦN THƠ
Bài viết “Đôi Nét Về XỨ SỞ và CON NGƯỜI CẦN THƠ” dùng để phổ biến trong buổi thuyết trình tại hội trường của Viện Việt Học tại Orange County (Nam California) vào chiều ngày Chúa Nhật 12 tháng 12 năm 2004 do GS Nguyễn Trung Quân trình bày trong hai tiếng đồng hồ, đã lôi cuốn sự chú ý của hơn một trăm thính giả đến nghe ông kể chuyện về quê hương mình. Buổi thuyết trình nầy do Việt Việt Học tổ chức “trong chiều hướng tìm hiểu về Tư tưởng Địa lý: Khoa Địa lý khu vực và Địa lý lịch sử của các địa phương, buổi thuyết trình với đề tài Vài Nét Về Xứ Sở Và Con Người Cần Thơ” do Hội Thân Hữu Cần Thơ và Hội Cựu Học Sinh Trường Trung Học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ thực hiện. Trong tương lai Viện Việt Học dự trù sẽ tổ chức các buổi thuyết trình, triển lãm, trình diễn văn nghệ về các khu vực và các tỉnh, các thành phố Việt Nam. Từ mỗi nét riêng lẻ, đặc thù của trừng địa phương tổng hợp lại sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng thể về đất nước và con người Việt Nam. Với cái nhìn này sẽ là hành trang cần thiết cho chúng ta, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại trên con đường xây dựng một nền Việt Học tân tiến phù hợp với trào lưu của thế giới (…) (trích Lời Giới Thiệu của Viện Việt Học trong tập tài liệu Đất Nước Và Con Người Cần Thơ – Little Saigon, tháng 12/2004).
Do khuôn khổ và số trang Giai phẩm Xuân Ất Dậu 2005 của Hội Ái Hữu Cần Thơ tại Houston Texas có giới hạn, các phụ lục đính kèm bài thuyết trình không thể in lại đầy đủ (dù trong bài có ghi), và muốn bổ sung thêm cho tròn vẹn ý của bài, nên chúng tôi xin được giới thiệu lại một đoạn viết về truyền thuyết của hai chữ CẦN THƠ, trích trong phần đầu bài “Cần Thơ Quê Hương Tôi” (in trong tập bút ký Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn của Lê Cần Thơ do tác giả tự xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ - Phụ lục I) nghĩ rằng cần thiết. Đó là “Truyền thuyết về hai chữ Cần Thơ”như sau:
“Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất màu mỡ phù sa, quanh năm nước ngọt tưới mát ruộng đồng, vườn xanh oằn bông sai trái. Hai tiếng Cần Thơ đối với tôi sao mà thiết tha, trìu mến, dịu dàng, đôn hậu... như tấm lòng người dân Cần Thơ, đã cho tôi niềm tin khi mở mắt chào đời.
Có người hỏi tôi ý nghĩa hai tiếng Cần Thơ? Thật lúng túng khi phải tìm nguồn gốc giải thích tên một vùng đất quê hương đã gắn liền với tôi như máu thịt, bởi tôi chưa tìm được tài liệu nào chính xác cho sự xuất hiện của hai tiếng Cần Thơ... ngoài giả thuyết sau đây mà thời còn đi học tôi có dịp nghe được.
Tương truyền rằng, khi Nguyễn Vương bị đại binh Tây Sơn truy nã, Ngài và cụ Nguyễn Huỳnh Đức phải đi lánh nạn. Khi vào Rạch Giá được ít lâu thì Ngài và cụ Nguyễn Huỳnh Đức giả dạng thường dân đi lần ra tỉnh “Càn Giang” (?), nhưng không hiểu vì tam sao thất bản hay vì lẽ nào mà chữ “Càn” lần lần thành ra chữ “Cần”.
Nguyễn Vương và cụ Nguyễn Huỳnh Đức có ý ra Càn Giang để đi xuống “Cù lao Dung”(vùng Sóc Trăng) vì ngài có lò đúc tiền kẽm và vài người tôi trung ở đó. Trong lúc đi theo đường sông từ Long Mỹ qua Càn Giang, Nguyễn Vương và cụ Nguyễn Huỳnh Đức thường gặp các ghe thương hồ, ban đêm trăng tỏ, ghe thì đàn, ghe thì hát, khiến Ngài ngậm ngùi tủi cho thân chìm nổi, nên làm vài bài thơ để giải sầu trong lúc thuyền còn lênh đênh trên dòng nước Càn Giang. Rồi từ đó về sau, mỗi khi đến tiết thu, mấy bực thi gia thường ngồi thuyền thưởng nguyệt vịnh thi phú. Họ đặt “Càn Giang” lại là “Cầm Thi Giang” (ý nói sông để đàn ca vịnh phú). Lần lần gọi trại chữ “Cầm” ra “Cần” và “Thi” ra “Thơ”. Từ đó “Cần Thơ” xuất hiện.
Trong Cần Thơ xưa và nay của Huỳnh Minh có ghi một truyền thuyết mà ông cho là của các bô lão kể lại “nơi đây khi xưa có trồng rất nhiều loại rau cần và rau thơm, mỗi khi chủ vườn cắt rau đem đi bán, rao cùng đường: ai mua rau cần rau thơm không?
Rau Cần, rau Thơm xanh mướt
Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn.
Thiên hạ xúm nhau mua hai loại rau nầy rất nhiều, lâu ngày chầy tháng, danh từ rau Cần, rau Thơm được giới bình dân phổ biến thành câu ca dao:
Rau Cần lại với rau Thơm
Phải chăng đất ấy rau Thơm có nhiều.
Cũng có người lẩn thẩn gọi đại tên xứ đó là xứ Cần Thơ. Hai giả thuyết nầy, không biết giả thuyết nào đúng? Hoặc giả một địa danh mà có đến hai sự kiện xảy ra trùng hợp nhau. Hai tiếng Cần Thơ trở thành một địa danh thời bấy giờ”.
Có nhiều nhà sưu khảo đã khổ công truy tìm cho có hệ thống sự xuất hiện của tên gọi nầy, tôi hiện không đủ tư liệu để liệt kê hết ra đây. Nhưng với riêng tôi... những gì còn trong truyền thuyết bao giờ cũng có thi vị của nó” (sđd, tr. 11-14).
Add new comment