Putin chuẩn bị nắm quyền mãi mãi như thế nào?

16th Jan 2020
Putin chuẩn bị nắm quyền mãi mãi như thế nào?
Table of contents

Vladimir Putin đang toan tính gì?

Vladimir Putin đang toan tính gì? Vào ngày 15 tháng 1, vị tổng thống Nga đã khiến những người theo dõi Điện Kremlin bất ngờ. Trong Thông điệp Liên bang, ông đã tuyên bố sửa đổi triệt để hiến pháp Nga và tiến hành trưng cầu dân ý về một số điều khoản được đề xuất (vẫn chưa có chi tiết rõ ràng). Một sự kiện gây sốc khác diễn ra ngay sau đó. Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng toàn bộ nội các đã từ chức. Khi tờ The Economist chuẩn bị lên khuôn, những lý do khiến ông Medvedev từ chức và được thay thế bởi một nhà kỹ trị ít tên tuổi vẫn là một điều bí ẩn.

Để hiểu những gì có thể xảy ra, hãy bắt đầu với một thực tế rất đơn giản. Trong 20 năm qua, chế độ của ông Putin đã giết quá nhiều người và chiếm đoạt quá nhiều tỷ rúp, khiến khả năng ông tự nguyện từ bỏ quyền lực là rất thấp. Theo hiến pháp hiện tại, ông không thể tranh cử tổng thống khi hết nhiệm kỳ năm 2024 vì không ai được phép nắm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Vì vậy, người ta luôn cho rằng bằng cách này hay cách khác, Putin sẽ thao túng các quy tắc để giữ quyền lực.

Ông đã có kinh nghiệm về chuyện này. Hai nhiệm kỳ đầu tiên của ông với tư cách là tổng thống kéo dài từ năm 2000 đến năm 2008, thời điểm ông lần đầu tiên rời ghế tổng thống vì quy định giới hạn nhiệm kỳ. Ông trở thành thủ tướng trong bốn năm, trong thời gian đó ông Medvedev giữ vị trí tổng thống mà không có nhiều quyền lực. Vào năm 2012, ông Putin đã trở lại nắm ghế tổng thống đột nhiên nhiều quyền lực hơn và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2018. Câu hỏi duy nhất lúc này là ông sẽ nắm vị trí gì vào năm 2024.

Chúng ta vẫn chưa biết chắc về điều đó. Rõ ràng, một lựa chọn là để ông Putin trở lại làm thủ tướng; một chỉ dấu cho điều này là tuyên bố của Putin nói rằng các dàn xếp mới mà ông đang tìm kiếm sẽ khiến vị trí thủ tướng trở nên quan trọng hơn, được toàn quyền bổ nhiệm nội các (trước khi được phê chuẩn bởi quốc hội, vốn do Đảng nước Nga Thống nhất của ông kiểm soát), thay vì để Tổng thống lựa chọn các vị trí này. Một khả năng khác cao hơn là ông Putin sẽ tìm cách duy trì quyền lực của mình bằng cách tiếp tục đứng đầu một cơ quan quyền lực được định nghĩa mơ hồ gọi là Hội đồng Nhà nước, cơ quan mà ông Putin cũng nói trong bài phát biểu của mình là nên được trao thêm nhiều quyền lực trong lần cải tố lần này.

Trong thực tế, các chi tiết không quan trọng. Nga đã là một chế độ độc tài cải trang dưới hình thức một nền dân chủ. Thành công trong các cuộc bầu cử của Putin có được là nhờ thành tích tăng trưởng kinh tế (nhưng hiện đã chấm dứt bởi nạn tham nhũng, tình trạng thiếu cạnh tranh, giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014) và việc ông được lòng dân vì tìm cách làm sống lại sự huy hoàng của thời kỳ Xô-viết . Nhưng các thành công đó cũng có lẽ phụ thuộc nhiều hơn vào sự kiểm soát của nhà nước đối với truyền hình, việc cấm các ứng cử viên đối lập nổi tiếng, mua chuộc các đảng đối lập yếu và bắt giữ, đe dọa các đảng cứng đầu hơn. Việc giết các đối thủ chính trị không thể nào giúp thúc đẩy cạnh tranh quyền lực thực sự.

Cho dù Putin có là tổng thống, thủ tướng, người đứng đầu Hội đồng Nhà nước hay chủ tịch danh dự của Hiệp hội bài Bridge Quốc gia (vị trí mà Đặng Tiểu Bình từng nắm trong thời gian nhiếp chính kéo dài ở Trung Quốc sau khi từ bỏ các vị trí chính thức), sẽ không tạo nhiều khác biệt so với khi điều đó diễn ra trong một nền dân chủ thực sự. Cũng không ai biết hình dạng cuối cùng của hiến pháp mới sẽ như thế nào. Putin có thể quyết định học theo các nhà độc tài đi trước, để hiến pháp mới sửa đổi lại các giới hạn nhiệm kỳ hiện có. Hoặc, như Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc vào năm 2018, ông chỉ đơn giản là loại bỏ hoàn toàn các giới hạn nhiệm kỳ (Putin nói rằng ông không muốn làm như vậy). Ông Tập thậm chí còn chẳng bận tâm đến một cuộc trưng cầu dân ý mà thay vào đó tiến hành sự thay đổi sẽ cho phép ông cai trị vô thời hạn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội – ND) với 2.959 trên 2.964 phiếu ủng hộ. Một mô hình khác được cung cấp bởi Kazakhstan, nơi Nurultan Nazarbayev, người trở thành tổng thống đầu tiên của nước này sau khi giành độc lập vào năm 1990, chỉ mới từ chức năm ngoái để giữ vai trò lãnh đạo đảng cầm quyền và danh hiệu “Lãnh đạo Quốc gia”.

Nước Mỹ từng lên tiếng phản đối sự thao túng các quy tắc. Dưới thời Donald Trump, Mỹ không còn làm như vậy nữa; Tổng thống Mỹ công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các lãnh đạo chuyên chế. EU cũng không thể làm gì hơn việc âm thầm lẩm bẩm trước cảnh Putin dính chặt vào ngai vàng. Họ sợ hãi trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và phụ thuộc vào Nga về cung cấp khí đốt. Những lãnh đạo chuyên chế trên thế giới sẽ chú ý theo dõi các sự kiện ở Moskva để xem liệu Putin có thể cung cấp cho họ những lời khuyên hữu ích nhằm kéo dài sự cai trị của mình hay không. Đối với những người ủng hộ dân chủ ở khắp mọi nơi, điều an ủi duy nhất là ngay cả những nhà lãnh đạo trọn đời cũng không thể sống mãi.

Medvedev - 'cánh tay phải' một thời của Putin

Khu nhà xa hoa với những tòa tháp, nhà kính và khu rừng nhỏ trong một video khiến người Nga tức giận được cho là thuộc về Thủ tướng Medvedev, điều ông bác bỏ.

Video quay từ máy bay không người lái được thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny đăng lên YouTube năm 2017. Navalny cáo buộc Thủ tướng Dmitry Medvedev sở hữu chúng, cùng với một vườn nho Italy, nhiều du thuyền, cung điện và những ngôi nhà ở nông thôn. Một trong các bất động sản còn có khu phức hợp nuôi vịt và nhiều loài thủy cầm khác.  

Navalny nói thêm rằng Medvedev từng cho vợ sử dụng riêng một máy bay thương mại của hãng Bombardier, trị giá 50 triệu USD. "Ai đã trả tiền cho những thứ này? Chiếc máy bay thuộc về ai?", Navalny đặt ra câu hỏi trong đoạn video. Theo thủ lĩnh đối lập, Thủ tướng Nga có cuộc sống giống như một tỷ phú và cáo buộc ông biển thủ 1,2 tỷ USD.

Đoạn video thu hút hàng chục triệu lượt xem, làm dấy lên các cuộc biểu tình tại hơn 80 thành phố trên khắp nước Nga, với một số người thậm chí mang theo áp phích in hình những con vịt. Cơn thịnh nộ được cho là xuất phát từ việc mức sống của người Nga đang giảm sút vì những lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Medvedev phủ nhận các cáo buộc. Điện Kremlin cũng khẳng định thông tin của Navalny không đáng lưu tâm bởi người này có tiền án gian lận.

Medvedev, 55 tuổi, lớn lên ở St. Petersburg, là người con duy nhất trong gia đình có bố là kỹ sư hóa học và mẹ làm giáo viên, sau đó bà chuyển nghề làm hướng dẫn viên du lịch. Ông theo học ngành luật và được truyền cảm hứng bởi Anatoly Sobchak, giáo sư yêu thích của ông, đồng thời là người ủng hộ cải cách.

Năm 1990, Sobchak trở thành chủ tịch hội đồng thành phố St. Petersburg, khi đó có tên Leningrad, và mời Medvedev làm cố vấn. Đây là thời điểm Medvedev lần đầu tiên gặp Putin, người cũng là học trò cũ của Sobchak và đang giữ chức chủ tịch ủy ban đối ngoại. Họ dần trở nên gắn bó.

Năm 1991, Medvedev làm việc cho chiến dịch tranh cử của Sobchak, giúp giáo sư luật này trở thành thị trưởng St. Petersburg, sau đó gia nhập đội ngũ của Sobchak trong tòa thị chính. Putin cũng được bổ nhiệm làm cấp phó đầy quyền lực của Sobchak.

Sau khi Sobchak mất chức vào năm 1996 vì cáo buộc tham nhũng và lạm quyền, Putin chuyển đến Moskva để làm việc cho chính quyền Tổng thống Boris Yeltsin và được bổ nhiệm làm thủ tướng hồi năm 1999. Cùng năm, Putin trở thành quyền tổng thống sau khi Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức và chỉ định Medvedev vào vị trí cấp cao trong đội ngũ.

Medvedev giúp Putin điều hành chiến dịch tranh cử thành công vào năm 2000. Những năm sau đó, ông cũng đóng vai trò chủ chốt trong tập đoàn khí đốt Gazprom, giúp cải tổ và hiện đại hóa công ty quốc doanh vô cùng quan trọng này.

Năm 2005, Medvedev được bổ nhiệm làm phó thủ tướng thứ nhất. Sau khi Putin mãn nhiệm hồi năm 2008 do hiến pháp quy định một tổng thống không được cầm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, Medvedev trở thành người kế nhiệm của ông chủ Điện Kremlin.

Một số người từng hy vọng rằng Medvedev sẽ thoát khỏi "cái bóng" của Putin để điều hành đất nước. Tuy nhiên, ông được cho là người thực thi ý tưởng của Putin và mở đường cho Tổng thống Nga quay lại nắm quyền vào năm 2012.

Theo bình luận viên Robyn Dixon của Washington Post, Medvedev từ lâu chịu sự chi phối của Putin, đồng thời hoạt động kém hiệu quả. Sự thăng tiến mà ông có được bị coi là hoàn toàn phụ thuộc vào mối quan hệ với Putin. Giới quan sát nhận định Putin rõ ràng luôn là người lãnh đạo thực tế của Nga.

Sau khi trở lại ghế tổng thống, Putin giành được sự ủng hộ trong nước với việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, đồng thời tái xây dựng ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông và nhiều khu vực khác. Trong khi đó, Medvedev, trên cương vị thủ tướng, quay cuồng với một loạt vấn đề của Nga như nền kinh tế trì trệ, lương và phúc lợi thấp, tình trạng tham nhũng kéo dài.

Năm 2016, trong chuyến thăm Crimea, Medvedev gây ấn tượng không tốt khi gạt bỏ khiếu nại của những người cao tuổi rằng họ không thể sống nhờ lương hưu. "Mặc dù không có tiền, đừng bỏ cuộc. Chúc mọi người những điều tốt lành nhất", ông nói trước khi quay đi.

Cáo buộc tham nhũng hồi năm 2017 được cho là gây tổn hại nghiêm trọng tới sự nghiệp chính trị của Medvedev và nhiều người thậm chí dự đoán ông sẽ phải rời chính quyền. Sau khi Putin tái đắc cử năm 2018, Medvedev một lần nữa được bổ nhiệm làm thủ tướng.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong bối cảnh chiến lược "hậu tổng thống" của Putin, được cho là bắt đầu hình thành. Medvedev hôm 15/1 thông báo trên truyền hình rằng ông cùng toàn bộ quan chức chính phủ từ chức để tạo điều kiện cho Putin sửa hiến pháp. Chức vụ mới của Thủ tướng Nga là phó chủ tịch Hội đồng An ninh, cơ quan Putin làm chủ tịch.

Một số nhà bình luận cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Medvedev đã bị Putin "thất sủng". Theo bình luận viên Dixon, một trong những lý do thúc đẩy Putin thay Medvedev có thể là lo ngại uy tín thấp của Thủ tướng Nga sẽ làm giảm mức tín nhiệm của ông. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức tín nhiệm của Putin khoảng 68-70%, thấp hơn khá nhiều mức trên 80% trong nhiệm kỳ trước.

Sau thông báo từ chức của Medvedev, Putin đã cảm ơn "cánh tay phải" một thời của ông vì sự nghiệp phục vụ chính phủ. "Về phần mình, tôi muốn cảm ơn vì tất cả những việc đã được thực hiện trong sự hợp tác của chúng ta tới nay, đồng thời bày tỏ hài lòng với kết quả đạt được", Putin nói với Medvedev.

"Không phải chính sách nào cũng hoàn toàn hiệu quả, nhưng cuộc đời là vậy", Putin nói thêm.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post, Guardian)

Bạn thấy bài viết này như thế nào?
0 reactions

Add new comment

Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.

Related Articles

Bản quyền : Tất cả nội dung trang hocwebchuan.com bao gồm tất cả các trang, hình ảnh, các ví dụ, các đoạn code thuộc về

Ở thời điểm hiện tại, mình cũng mới ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như trải nghiệm nên mình hiểu lời khuyên của anh

Facebook là một mạng xã hội rất lớn tại việt nam. Facebook hiện có hơn 750 triệu người sử dụng, 1 con số khổng lồ.

LINE CODE WOW là cuộc thi lập trình dành cho các bạn trẻ đam mê công nghệ, được tổ chức thường niên bởi LINE Technology Vietnam.

Cô bạn tôi ly hôn khi đã có 2 con, vì hoàn cảnh mưu sinh cô phải để chồng nuôi rồi tranh thủ lúc nào rảnh lại bay về thăm con.